Nhận biết triệu chứng sớm của bệnh sởi và cách chăm sóc người mắc sởi tại nhà

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi diễn ra chiều hôm qua, 15/3/2025, Bộ Y tế công bố: Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi sởi, trong đó có 5 ca tử vong liên quan đến bệnh này.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh (ho, hắt hơi, nói chuyện, tiếp xúc gần). Bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch, thường vào mùa đông xuân. Sởi là bệnh lành tính nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên người mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.

Những dấu hiệu cơ bản cho thấy một người đã bị nhiễm bệnh sởi

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dấu hiệu đầu tiên của người bị nhiễm sởi là sốt. Đi kèm với sốt là các triệu chứng khác như ho, sổ mũi, đau họng, đỏ mắt… Đặc biệt, nước mũi và nước mắt chảy nhiều, đôi khi có thể khiến chúng ta bị lẫn với triệu chứng của bệnh cúm. Y khoa gọi chung là triệu chứng viêm long đường hô hấp.

Nhận biết triệu chứng sớm của bệnh sởi và cách chăm sóc người mắc sởi tại nhà ảnh 1

Dấu hiệu đầu tiên của người bị nhiễm sởi là sốt.

Thường thì sau khi bị sốt 2-3 ngày, bên trong miệng của người bị nhiễm bệnh sởi sẽ xuất hiện những đốm trắng nhỏ với tâm màu trắng. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi, có tên gọi là đốm Koplik. Đốm này thường xuất hiện trong vòng 1-2 ngày trước khi bị phát ban.

Phát ban cũng là một triệu chứng đặc trưng khác của bệnh sởi. Đặc điểm của phát ban luôn luôn theo thứ tự từ trên đầu xuống thân thể và từ thân thể lan ra tay chân, chứ không bao giờ phát ban xuất hiện cùng một lúc hết cả người. Ban đầu, người bệnh bị phát ban từ sau tai rồi lan dần xuống mặt, cổ, thân và tay chân. Các nốt ban đỏ hơi gồ lên mặt da, chúng có thể liên kết với nhau tạo thành các mảng lớn.

Bệnh sởi nguy hiểm nhất là các biến chứng

Virus sởi làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn cơ hội, dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não… Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, nó tấn công các tế bào khỏe mạnh, gây ra các phản ứng tự miễn, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.

Theo các nhà khoa học, sởi có 3 biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, bao gồm:

Viêm não: Virus sởi có khả năng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, gây viêm não. Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh sởi, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Bệnh nhân sởi biến chứng viêm não có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, co giật, hôn mê và tử vong.

Viêm phổi: Đây là biến chứng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau khi sởi mọc ban. Khi người bệnh có dấu hiệu sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng là bệnh đã nặng. Biến chứng này rất nguy hiểm và thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Những cách phòng bệnh sởi cần biết

Mù lòa: Virus sởi có thể tấn công mắt, đặc biệt là giác mạc, gây viêm giác mạc. Viêm giác mạc nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến sẹo giác mạc và mù lòa vĩnh viễn.

Có thể chăm sóc người bệnh sởi tại nhà được không?

Với trường hợp mắc sởi nhẹ, gia đình có thể chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Vì sởi là bệnh lây, cần nhất là chú ý cách ly người bệnh, áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh cho người xung quanh.

Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm, giữ phòng thoáng mát, sạch sẽ.

Dinh dưỡng: Cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng. Uống nhiều nước để tránh mất nước.

Có thể dùng thuốc hạ sốt (paracetamol), vitamin, uống dung dịch nước-điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo dõi triệu chứng: Nếu bệnh nhân sốt cao liên tục, co giật, khó thở, cần đưa đến bệnh viện ngay.

Thực tế hiện nay, nhiều bệnh nhân sởi, đặc biệt là trẻ em gặp biến chứng nặng của bệnh sởi là do sai lầm trong phương pháp chăm sóc. Chả hạn như việc giữ trẻ ở nhà điều trị mà không theo dõi sát tình trạng, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…

Nguồn: https://tienphong.vn/nhan-biet-trieu-chung-som-cua-benh-soi-va-cach-cham-soc-nguoi-mac-soi-tai-nha-post1725323.tpo

Xem thêm: Bé gái 4 tuổi ở Hà Nội t.ử v.ong do mắc sởi

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 14/3 đến ngày 21/3), toàn thành phố ghi nhận 182 trường hợp mắc sởi (tăng 51 ca so với tuần trước đó) tại 26 quận, huyện và 88 xã phường, thị trấn, trong đó đã ghi nhận 1 ca tử vong.

Đó là bé gái 4 tuổi tại quận Nam Từ Liêm, có tiền sử không tiêm vaccine phòng sởi. Bé khởi phát bệnh vào ngày 10/3, phát ban ngày 15/3. Đến ngày 17/3, trẻ có dấu hiệu khó thở nhiều, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Sau đó, bệnh diễn biến nặng, cháu được điều trị tích cực (thở máy, lọc máu, ECMO) nhưng tình trạng không cải thiện và qua đời vào ngày 18/3 với chẩn đoán sốc không hồi phục, suy đa tạng, viêm phổi ARDS-bão cytokine trên nền bệnh sởi.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như Nam Từ Liêm (42 ca), Hoàng Mai (26 ca), Hà Đông, Thanh Xuân (mỗi nơi 13 ca), Hoàn Kiếm (11 ca), Tây Hồ (10 ca). Cộng dồn năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 1.058 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 ca tử vong. Cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó có 117 trường hợp dưới 6 tháng (chiếm 11,1%), 151 trường hợp 6-8 tháng (chiếm 14,3%), 113 trường hợp 9 – 11 tháng (chiếm 10,7%), 238 trường hợp 1 – 5 tuổi (chiếm 22,5%), 164 trường hợp 6 – 10 tuổi (chiếm 15,5%) và 275 trường hợp từ trên 10 tuổi (chiếm 26%).

Bé gái 4 tuổi ở Hà Nội tử vong do mắc sởi - Ảnh 1.

Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ. (Ảnh minh hoạ)

CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Đáng lưu ý, ngành Y tế đã ghi nhận trường hợp tử vong ở trẻ chưa tiêm vaccine; dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.

Trong tuần tới, các quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch; tập trung vào trẻ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.

Hà Nội tổ chức tiêm chủng liên tục tất cả các ngày trong tuần, phấn đấu đạt tiến độ từ 95% trở lên trước 31/3.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 20/3, cả nước ghi nhận rải rác 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 4.027 trường hợp dương tính với sởi tại 62 tỉnh, thành phố; 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.

Bộ Y tế nhận định bệnh sởi tại Việt Nam trong thời gian tới còn có nguy cơ tiếp tục gia tăng, vẫn cần hết sức thận trọng với nguy cơ bùng phát. Dự kiến, số ca sốt phát ban nghi sởi sẽ tiếp tục được ghi nhận trên phạm vi cả nước.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống bệnh sởi, đặc biệt là với trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine, phải hoàn thành trong tháng 3.

Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/be-gai-4-tuoi-o-ha-noi-tu-vong-do-mac-soi-172250322150713984.htm

Viết một bình luận

Shopee Sale