Bỏ cấp huyện: Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã thay đổi ra sao?
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:
– Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:
+ Loại I là 14 người;
+ Loại II là 12 người;
+ Loại III là 10 người.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm như sau:
+ Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
Theo quy định, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. (Ảnh minh họa)
+ Ngoài việc tăng thêm người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.
Lưu ý: Quy mô dân số (bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi) và diện tích tự nhiên tính đến ngày 31/12 hàng năm để xác định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Trường hợp ở đơn vị hành chính cấp xã tính đến ngày 31/12 hàng năm có thay đổi về quy mô dân số, diện tích tự nhiên quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP hoặc có thay đổi về loại đơn vị hành chính thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, điều chỉnh tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh) bảo đảm theo đúng quy định.
Như vậy khi bỏ cấp huyện, chính quyền cấp xã có thể phải đảm nhận thêm một số nhiệm vụ trước đây do cấp huyện quản lý và việc bỏ cấp huyện, sáp nhập xã thì quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ có thay đổi. Do đó, tùy thuộc vào sự thay đổi của quy mô dân số và diện tích tự nhiên cấp xã mà sẽ có sự thay đổi về số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Quy định về việc xây dựng đề án sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã
Theo nội dung tại Kết luận 127-KL/TW năm 2025 thì việc xây dựng đề án sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã được Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (trong đó:
– Đối với cấp tỉnh: Ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới… làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.
– Đối với cấp xã: Cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo… Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.
– Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.
Xem thêm: Bỏ cấp huyện, cán bộ, công chức dôi dư sẽ về đâu?
Công chức cấp huyện đi đâu về đâu?
Hiện Trung ương vẫn chưa có chủ trương, chính sách, quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, có những chỉ dấu, kinh nghiệm, cách làm là gợi ý để mọi người cùng suy ngẫm.
Chỉ dấu thứ nhất, ngày 1/3, tại Công văn số 006/BNV-CQĐP, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, báo cáo về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, gửi về bộ này trước ngày 10/3 để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Gần đây, khi bỏ công an cấp huyện thì một phần lực lượng chuyển về công an cấp xã, một phần chuyển đến công an cấp tỉnh, một số người được giải quyết chế độ cho nghỉ hưu trước tuổi…
Tại Hải Dương, 1.133 lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ công an cấp huyện được điều động về công tác tại các phòng của Công an tỉnh, công an cấp xã và một số vị trí cán bộ có liên quan, trong đó 201 đồng chí giữ các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng của Công an tỉnh và trưởng, phó trưởng công an cấp xã.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã là một khả năng. Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu tiếp tục sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã để hình thành những xã rộng hơn, tạo không gian phát triển mới. Khi xã lớn hơn, yêu cầu lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cũng sẽ cao hơn.
Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện chuyển về cấp xã sẽ giúp nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ ở cơ sở. Những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay có trình độ, năng lực hạn chế có thể phải nghỉ việc, nghỉ hưu sớm hoặc chuyển xuống công tác tại các thôn, khu dân cư…
Cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có thể được chuyển về cấp xã (Ảnh minh họa)
Một bộ phận khác của cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có thể được luân chuyển lên công tác ở cấp tỉnh nếu bảo đảm các yêu cầu về tổ chức bộ máy, năng lực, phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chính trị…
Thực tế hiện nay, không ít cán bộ, công chức, viên chức lớn tuổi, sắp nghỉ hưu ở nhiều cấp, nhiều ngành đã tự nguyện nghỉ hưu sớm và được hưởng một khoản tiền không nhỏ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Một bộ phận khác xin nghỉ và hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.
Khi bỏ cấp huyện, chắc chắn nhiều người sẽ tiếp tục nghỉ việc để hưởng chế độ như nêu trên.
Chỉ dấu thứ hai, Bộ Nội vụ cũng thông tin đã báo cáo Đảng ủy Chính phủ để báo Bộ Chính trị cho chủ trương mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng của Nghị định 178.
Theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp chậm nhất ngày 9/3/2025.
Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị về không tổ chức cấp huyện, các cơ quan nhà nước phải thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật, quy định cụ thể. Lúc ấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đâu về đâu sẽ rõ ràng.
Với tốc độ rất nhanh của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, mọi người sẽ sớm biết thông tin cụ thể.
Cán bộ dôi dư khi bỏ cấp huyện sẽ thế nào?
Theo quy định hiện hành, trong trường hợp giải thể đơn vị hành chính cấp huyện do sắp xếp đơn vị hành chính thì cán bộ dôi dư sẽ được giải quyết chế độ, chính sách theo điều 12 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như sau:
Thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm).
Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.
(Ảnh minh họa)
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Ngoài các chế độ, chính sách nêu trên, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn.
Thời gian tới, khi có thông tin cụ thể hơn về bỏ cấp huyện, các chế độ chính sách nhiều khả năng phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: https://baophutho.vn/bo-cap-huyen-can-bo-cong-chuc-ve-dau-228955.htm