Theo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người lao động đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu thay vì phải đóng 20 năm như quy định hiện hành.
Quy định này giúp tạo cơ hội cho nhóm người lao động tham gia BHXH muộn (độ tuổi trung niên từ khoảng 45 tuổi trở lên mới tham gia) hoặc có quá trình tham gia không liên tục hoặc lao động tự do, khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng được hưởng lương hưu hằng tháng và những chế độ hưu trí khác.
Người 45 tuổi mới tham gia BHXH vẫn có lương hưu khi về già? (Ảnh minh hoạ)
Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Tuy nhiên, do giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm, mức tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu 45% theo Luật BHXH 2014 không còn phù hợp. Do đó, Luật BHXH 2024 điều chỉnh cách tính mức lương hưu mới.
Cụ thể, đối với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Những lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.
(Ảnh minh hoạ)
Luật BHXH 2024 cũng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, thông qua các sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm gia tăng quyền lợi và nâng cao tính hấp dẫn của chế độ này.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là một sự tiến bộ vì người lao động.
Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu là giải pháp đem lại “lợi ích kép”, chính sách này không chỉ góp phần ngăn làn sóng rút BHXH một lần mà còn giúp gia tăng số lượng người tham gia hệ thống BHXH.
Xem thêm: Năm 2025, tin vui cho người cao tuổi: Ai từ 60 đến 75 tuổi không có lương hưu, được hỗ trợ tiền mua BHYT
Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế – BHYT là hình thức bảo hiểm toàn dân nhằm góp phần giúp an sinh xã hội. Khi tham gia BHYT người dân sẽ được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần viện phí, thăm khám, thuốc men… nếu chẳng may bị đau ốm, tai nạn hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe. Thẻ BHYT giúp giải tải áp lực cho người dân khi gặp rắc rối về sức khỏe, giúp người dân có thể an tâm hơn. Mới đây, Cử tri Quốc Hội có đề xuất người dân từ 60 tuổi trở lên không có lương hưu được hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT.
Đề xuất hỗ trợ BHYT cho người dân từ 60 tuổi không có lương hưu
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chiều 24/10, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị xem xét bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng là người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên.

Lý giải về đề xuất này, ông Bình cho biết, theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được nhà nước quan tâm chính sách xã hội.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không hưởng trợ cấp hằng tháng thì được trợ cấp xã hội và phát thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí xã hội và có thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
“Tuy nhiên, đối với người từ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi mà không hưởng lương hưu, trợ cấp thì không có thẻ bảo hiểm y tế do nhà nước đóng. Tôi đề nghị đưa nhóm đối tượng từ 60 tuổi đến 80 tuổi, từ thời điểm 1/7/2025 thì người từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi được nhà nước đóng thẻ bảo hiểm y tế”, đại biểu đề xuất.

10 đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 10 nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế gồm:
1- Người có công với cách mạng
2- Thân nhân của người có công với cách mạng
3- Người phục vụ người có công với cách mạng,
4- Cựu chiến binh
5- Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc
6- Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
7- Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
8- Trẻ em dưới 6 tuổi.
9- Người thuộc hộ gia đình nghèo;
10- Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở
Nguồn: https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/nam-2025-tin-vui-cho-nguoi-cao-tuoi-ai-tu-60-den-75-tuoi-khong-co-luong-huu-duoc-ho-tro-tien-mua-bhyt-895693.html